Theo sáng kiến của Hội Cha mẹ học sinh, được sự thống nhất của cô giáo Chủ nhiệm và Ban Giám hiệu nhà trường, ngày 11 tháng 01 năm 2014, lớp 5A1 - Trường Tiểu học Việt-Úc Hà Nội đã có buổi dã ngoại thật lý thú. Địa điểm đến là “Trang trại Phú Ông” thuộc khu du lịch sinh thái Long Việt, xã Vân Hoa, huyện Ba Vì, Hà Nội. Đây là một trong những khu du lịch nổi tiếng của Hà Nội.
Từ 7 giờ sáng, cả lớp và một số cha mẹ đã có mặt tại sân Trường Việt-Úc Hà Nội. Sự háo hức thể hiện trên gương mặt của mỗi thành viên của lớp. Sau một vài trò chơi khởi động với sự hướng dẫn của các anh chị hoạt náo viên Trung tâm EVEIL, lớp được chia làm 2 đội. Một đội đeo ruyban màu đỏ và một đội đeo ruyban màu xanh.. Sau khi hội ý, mỗi đội đặt tên và nêu khẩu hiệu của đội mình. Đội đỏ tự đặt tên là
Nông dân với khẩu hiệu là
Sáng tạo. Đội xanh tự đặt tên là
Phú Ông với khẩu hiệu là
Chiến thắng. Tên và khẩu hiệu của mỗi đội đều ẩn chứa những khát khao khám phá của mình trong chuyến dã ngoại.
Đúng 7 giờ 30 phút, chuyến dã ngoại được khởi hành. Chiếc xe ca 45 chỗ ngồi chuyển bánh và lao vun vút trên Đại lộ Thăng Long. Đây là con đường lớn, hiện đại nhất của Thủ đô được khánh thành đúng vào dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Hai bên đường, xen lẫn những cánh đồng lúa bát ngát là những khu đô thị mới, hiện đại đang dần mọc lên. Mặc dù nhiệt độ ngoài trời rất lạnh nhưng không khí trong xe đã được hâm nóng bởi cuộc thi hát theo chủ đề của hai đội. Với chủ đề hát những bài hát có hình ảnh các con vật, hai đội thi nhau thể hiện tài năng của mình. Từ chú “chim vành khuyên” đến “chú voi con ở bản Đôn” thay nhau xuất hiện cùng tiếng cười vang của mọi người. Thật bất ngờ, em Minh là thành viên nhí của đoàn (bé mới 5 tuổi); cũng tham gia cuộc thi với bài hát tiếng Nhật ngọt ngào về con bướm nhỏ. Không khí rộn ràng làm cho cả đoàn không có cảm giác về chặng đường đã qua. Giờ đã đến Trang trại Phú Ông rồi. Cả đoàn ùa xuống xe. Ai cũng muốn mình là người đầu tiên bước vào trang trại.
Một chiếc cổng lớn như cổng thành đang rộng mở chào đón cả đoàn. Bước qua cánh cổng một không gian kỳ vĩ xuất hiện trước mắt mọi người. Ai cũng háo hức nhìn quanh để tìm cho mình những điểm khám phá. Vốn quen với các tòa nhà cao tầng, những con đường tấp nập xe cộ, giờ đứng giữa không gian thoáng đãng với những nét cổ kính của những ngôi nhà, những đồ vật và cây cối; mỗi người dường như đều cảm nhận mình đang lạc vào không gian cổ tích.
Đầu tiên, hai đội được vào thăm nhà quan Võ. Đây là nguyên bản ngôi nhà của một quan Võ đem từ Thanh Hóa về đặt tại đây. Chiếc cung tên nhắc chúng em nhớ về câu chuyện Thần Kim Quy và chiếc nỏ thần thời Vua An Dương Vương xây thành Cổ Loa chống lại quân Thục Phán. Nhất là bài học cảnh giác trong mối tình Mỵ Châu - Trọng Thủy. Chiếc gươm báu nhà vua ban cho quan Võ đã nhuốm máu bao quân thù. Dũng khí của quan Võ trong các cuộc chiến đấu chống quân thù ngày nào như đem lại sức mạnh cho mỗi thành viên trong đoàn hôm nay.
Rời nhà quan Võ, hai đội sang thăm quan nhà quan Văn. Ngôi nhà khiêm nhường nhưng trang nhã. Trước hiên nhà, hai bức tượng lớn gần bằng người thật đội tráp trầu và cau, gợi cho mọi người hình ảnh “liền anh, liền chị” của quê hương quan họ - cái nôi của văn hóa đồng bằng Bắc bộ. Trong nhà quan Văn thật nhiều sách. Còn nguyên đó những bút nghiên, những chồng sách đặt ngay ngắn trên bàn. Dường như quan Văn vừa đi đâu ra khỏi nhà…Thành viên hai đội tranh thủ đóng vai quan Văn, ngồi ngay ngắn trước bàn chăm chú viết. Ai cũng nghĩ mình sẽ được quan Văn truyền cho sự chăm chỉ và những kiến thức uyên thâm.
Rời nhà quan Văn, quan Võ, hai đội theo chân chị hoạt náo viên đến thăm tháp Vân Long rồi bước ra một sân rộng. Nơi đây có một chiếc thuyền dài chở trên đó là những cây phi lao được tạo dáng rất đẹp. Con thuyền này đã gần 30 tuổi với hơn 28 năm miệt mài cưỡi sóng chở muối cho người dân Thanh Hóa. Tuy đã cũ kỹ và sắp mục nát, không thể vượt sóng được nữa, chiếc thuyền vẫn làm trọn nhiệm vụ cuối cùng là mang trên mình hàng phi lao xinh xắn, làm đẹp cho cảnh quan của trang trại. Đây là một bài học về giá trị cuộc sống: Không có vật gì là vô ích.
Vượt qua một triền dốc thoai thoải, hai bên là những cây đào tiên trĩu quả và những cây hoa ngát hương thơm, hai đội bước vào sảnh lớn ngôi nhà Tâm Long. Trên hiên nhà, ở vị trí trung tâm được đặt một cách trang trọng bức “Chiếu dời đô” của vua Lý Thái Tổ cách đây hơn 1000 năm. Nghe giới thiệu về nội dung “Chiếu dời đô”, chúng em hiểu thêm về tầm nhìn sáng suốt của nhà vua khi quyết định dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình); về Thăng Long để có non sông Việt Nam vững bền như hôm nay.
Phía bên phải khu nhà Tâm Long, dưới chân sườn dốc là khu chợ quê đang tấp nập người mua bán. Những vật dụng gắn liền với người nông dân: những chiếc áo tơi được làm bằng rơm và lá cọ, chiếc nón quai thao (còn được gọi là nón ba tầm), những chiếc quang gánh và thúng được người nông dân dùng để gánh thóc… Giữa chợ là những hàng quán bán nhiều quà quê như: bánh tẻ, ngô, khoai luộc…Những chú trâu mộng bằng đá đang khoan thai nghỉ ngơi…Một khung cảnh thôn quê thật sinh động.
Rời chợ quê, hai đội được xuống khu hồ Van Chai để xem biểu diễn rối nước. Ở thành phố, nhiều bạn đã được xem rối nước, nhưng hôm nay được xem tại Trang trại Phú ông lại có cảm xúc rất đặc biệt. Trên mặt hồ xinh xắn, chú Tễu dường như nhỏ hơn bình thường nhưng nụ cười vẫn hồn nhiên… Ba cô công chúa cưỡi thuyền rồng đem bông hoa chuối rừng đỏ thắm tặng cô Vũ Thu Hương trong tiếng vỗ tay không ngớt của mọi người.
Sau bữa cơm trưa vui vẻ, hai đội bước vào thử thách khám phá kho báu của Phú ông. Mỗi đội được phát một tấm bản đồ. Sau một hồi hội ý, với quyết tâm khám phá nhanh nhất, thành viên hai đội tỏa đi khắp trang trại. Mọi vị trí của trang trại đều được sục sạo, tìm kiếm. Nhiều suy đoán đã được đặt ra và thực hiện với tinh thần đồng đội rất cao, thể hiện ý chí của mỗi đội trước khi xuất phát buổi sáng: “
Sáng tạo”, “Chiến thắng”. Nhưng 30 phút…rồi 1 giờ trôi qua. Thành viên hai đội đã thấm mệt mà kho báu vẫn chưa được tìm thấy. Sau một hồi tìm kiếm khắp nơi, các suy đoán đều hướng về khu vực hang đá dưới chân thác nước. Thành viên hai đội nhanh chóng tìm cách vào hang. Nhưng thật là nguy hiểm bởi hang vừa sâu lại vừa tối, lối đi rất hẹp. Cả hai đội đành quay ra. Trong lúc thử thách thật là khó khăn, cả hai đội cùng nhận ra rằng: phải khớp hai tấm bản đồ của hai đội lại. Và ngay tức thì, vị trí kho báu được xác định một cách chính xác. Cả hai đội cùng vỡ òa trong niềm vui sướng. Hòm của cải do Phú ông để lại được mang ra. Nhưng lại có một thử thách mới, đó là làm sao mở được chiếc hòm khi không có chiếc chìa khóa nào. Hai đội cùng nhau chụm lại, đặt tay lên nắp hòm và cùng niệm câu thần chú của Alibaba ngày nào: “
Vừng ơi…mở cửa ra! “ … Nắp hòm bật mở, cả hai đội reo lên sung sướng. Của cải Phú ông để lại là những dụng cụ học tập đầy ý nghĩa. Mỗi thành viên đều nhận được một món quà mình yêu thích. Bài học lớn hai đội rút ra trong hành trình khám phá kho báu của Phú ông chính là tình
đoàn kết, óc
sáng tạo, ý chí quyết tâm
chiến thắng sẽ đem lại hạnh phúc cho mỗi người.
Mang theo niềm vui khám phá thành công kho báu, hai đội bước vào cuộc thi “Rung chiêng vàng”. Cuộc thi sôi động ngay từ phút đầu tiên. Các câu hỏi đều là những kiến thức trong suốt buổi tham quan. Vậy mà không phải lúc nào hai đội đều có câu trả lời chính xác. Một tình huống rất kịch tính là cô giáo chủ nhiệm và các phụ huynh phải tham gia cứu thành viên 2 đội. Với sự nỗ lực vượt bậc, cô giáo và các phụ huynh đã hoàn thành xuất sắc phần thử thách đưa bóng vào rổ để cứu đủ thành viên 2 đội. Cuộc thi diễn ra thật căng thẳng vì hầu hết mọi người đều trả lời thành công các câu hỏi. Cuối cùng thì cuộc thi cũng chọn ra được 2 người xuất sắc nhất.
Cuộc thi “Rung chiêng vàng” đã khép lại chương trình chuyến dã ngoại. Mặt trời đã thấp dần. Không gian “Trang trại Phú ông” trở nên yên tĩnh hơn. Chia tay “Trang trại Phú ông” chúng em mang theo những kiến thức về lịch sử, những trải nghiệm của hành trình khám phá và hơn nữa về một sự gắn kết bên nhau của tình bạn bè. Trong ánh mắt, chúng em cảm nhận được sự hài lòng của cô giáo chủ nhiệm và các bậc phụ huynh về một chuyến dã ngoại đầy bổ ích và lý thú. Không chỉ chúng em gần nhau hơn mà các bố mẹ và cô giáo cũng gần nhau hơn.
Năm nay là năm cuối của bậc tiểu học. Chỉ còn không đầy 5 tháng nữa thôi, chúng em sẽ chia tay. Không biết năm học mới còn gặp nhau để cùng khám phá kho báu Phú ông nữa không? Buổi dã ngoại này sẽ mãi mãi là kỷ niệm đẹp trong mỗi thành viên lớp 5A1. Dù còn được ở bên nhau trong những năm học tới hay không, chuyến khám phá này sẽ hun đúc trong mỗi thành viên lớp chuẩn bị những chuyến khám phá lớn hơn về đất nước, về con người, về thế giới bao la. Điều quan trọng là dù ở đâu chúng ta vẫn mãi mãi bên nhau. Mãi mãi 5A1.
Một số hình ảnh
Bác Nguyễn Văn Hoạt - tác giả của bài viết
Chuẩn bị lên đường
Trong một trò chơi cứu trợ các con
Các bạn nhỏ thành tâm
Bao điều muốn tìm hiểu
Chụp ảnh lưu niệm tại chiếu dời đô
Cuộc thi
"Rung chiêng vàng" quá hấp dẫn
Hai thành viên nhí của đội đang mua thuốc nam
Quỳnh Chi trong một trò chơi
Thiện Anh- Nhà tiên tri của lớp đang ngồi thiền
Vui quá! Cùng zô nào!
Xin Quan văn cho học giỏi, thông minh
Bên nhau - kỉ niệm