Trường Liên cấp Việt-Úc

Trường Liên cấp Việt-Úc

Trường Liên cấp Việt-Úc

https://vashanoi.edu.vn/Banner Tin tức

Hiểu con vào lớp 1- Cha mẹ cần làm gì để có thể đồng hành cùng con?

28/01/2015

Lớp Một được xem là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời của một đứa trẻ, mang ý nghĩa quyết định và là sự khởi đầu cho cả quá trình học tập lâu dài của trẻ sau này...
Lớp Một được xem là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời của một đứa trẻ, mang ý nghĩa quyết định và là sự khởi đầu cho cả quá trình học tập lâu dài của trẻ sau này. Bước vào lớp Một là bước qua một cánh cửa mới, đến với một môi trường mới. Trong giai đoạn này, cha mẹ sẽ là những người đóng vai trò quan trọng. Việc chọn lựa một môi trường thích hợp cũng như chuẩn bị hành trang vững chắc sẽ là bước đi đầy tự tin giúp trẻ thành công sau này.
Nhiều phụ huynh từ các trường Mầm non đã tham gia chương trình hội thảo "Hiểu con vào lớp 1"
Hiểu được những trăn trở và băn khoăn của các bậc cha mẹ, Trường Tiểu học Việt-Úc Hà Nội đã tổ chức hội thảo “Hiểu con vào lớp Một”. Buổi hội thảo gồm có những nội dung chính:

Giai đoạn khủng hoảng của lứa tuổi lên 6, những thay đổi về tâm, sinh lý
 
Thay đổi về sinh lý: Thay đổi đầu tiên gây căng thẳng chính là sự thay đổi về cơ thể. Ở thời điểm này toàn bộ cơ thể trẻ có phát triển mạnh mẽ về cấu trúc xương. Mỗi năm, trẻ 6 tuổi tăng được 5cm chiều cao, 2 kg cân nặng. Cơ quan chính như đại não, tim, phổi có tốc độ phát triển nhanh. Do công năng hưng phấn và ức chế của hệ thần kinh chưa cân bằng, nên chỉ đơn thuần làm một việc gì kéo dài cũng dễ gây mệt mỏi cho trẻ.

Thay đổi về tâm lý: Vì trẻ phải thích nghi với một thế giới mới nên tinh thần bị căng thẳng dữ dội và “xung đột tuổi lên 6” xuất hiện ở thời điểm này. Trẻ đến trường không chỉ học kiến thức trong các bài giảng mà còn học cùng thầy cô, học cách hòa hợp với bạn bè, hiểu người khác trong một môi trường đông người.

Cô Phạm Ngọc Thu, giáo viên bộ môn kỹ năng sống chia sẻ với phụ huynh

Những khó khăn trẻ gặp phải khi vào lớp Một. Các bậc cha mẹ cần làm gì để có thể đồng hành cùng con?
 
Dành thời gian cho con: Trẻ thích được cha mẹ dành thời gian cho mình (chơi cùng, làm việc cùng, dạy học...); và cảm thấy như vậy là cha mẹ yêu thương mình. Do vậy hàng ngày chúng ta nên dành thời gian chơi và trò chuyện với con ít nhất là 15 phút.

Lắng nghe con: Cha mẹ có thể tham khảo một số nguyên tắc lắng nghe sau: Thời gian của cha mẹ nói không được dài hơn thời gian con nói; chú tâm lắng nghe con; vừa nghe vừa gật gù "à thế hả con"; nhắc lại một số từ con nói; đọc cảm xúc của con dưới lớp nghĩa của câu chuyện.

Khen ngợi con: Lời khen phải thật lòng, khẳng định và khen từng việc cụ thể. Khi một hành vi mới được hình thành, cha mẹ nên khen và cổ vũ con ngay.

Giúp con hình thành thói quen tự phục vụ: Cha mẹ nên hình thành và rèn cho con các kĩ năng cơ bản cần thiết sớm: như kĩ năng tự phục vụ gồm tự đi vệ sinh, tự mặc quần áo, tự sắp xếp sách vở vào ba lô, cất sách vở ở đúng ngăn, kiểm tra sách vở trước khi ra về...

Tạo tâm thế sẵn sàng: Cha mẹ có thể cho con đến thăm trường con sẽ học, cùng con chuẩn bị đồ dùng cho năm học tới và kể cho con nghe nhiều kỉ niệm vui của bố mẹ khi bố mẹ còn đi học. Thậm chí có thể kể cho con nghe về cô giáo con có sẽ học ở lớp Một hay những điều thú vị ở trường học mà ở nhà không có được...

Chăm chút việc học của con: Hiện nay ở  trường Mầm non đã cho các con học về các số, nhận biết mặt chữ và dạy các nét cơ bản. Những vấn đề đó cũng đủ để cho trẻ có một vốn tốt khi trẻ bước vào học lớp một. Thế nhưng khi vào lớp Một không phải trẻ nào cũng có thể nhớ được hết các nội dung đó vì một thời gian nghỉ hè có thể các con đã quên. Vậy nên, trước khi con đi học cha mẹ cần ôn lại cho con những nội dung đã học ở mầm non. Bên cạnh đó cha mẹ nên dành cho con một góc học tập ở nhà, có bàn, có ghế,  giống trên lớp, đó có thể gọi là thế giới riêng của con.

Dạy con cách xử lí tình huống: cha mẹ nên dạy cho trẻ những kĩ năng xử lí trong các tình huống đơn giản: ví dụ như khi con đi học lỡ quên bút, con muốn viết con phải mượn bạn thì con sẽ mượn như thế nào? Tránh tình trạng một vài học sinh không biết hỏi mượn như thế nào nên cứ ngồi im, khi cô giáo hỏi mới nói, lúc đó cô lại dạy con kĩ năng nói lời yều cầu và đề nghị. Và cứ như thế con sẽ rụt rè, e ngại và không được tự tin...

Rèn cho con tính kỷ luật: Cùng với nhà trường, cha mẹ cũng cần rèn cho con tính kỉ luật để thực hiện nội quy của lớp, của trường, những quy định trong giờ học. Có như vậy con mới có sự tập trung nhất định để tiếp thu kiến thức.

Cô Diệp Hoa, giáo viên nhà trường nói về chuẩn bị tâm thế cho con khi bước vào lớp 1

Trong buổi hội thảo, các bậc cha mẹ học sinh một lần nữa được nhìn lại tuổi thơ của mình và cùng chia sẻ những kỉ niệm. Từ đó, các bậc cha mẹ càng hiểu rõ hơn vai trò quan trọng của mình trong từng chặng đường trưởng thành của con, đặc biệt là ở giai đoạn đầu của bậc Tiểu học.

Phụ huynh tham gia nhiều hoạt động để có thể thấu hiểu con mình hơn


Các thầy cô giáo Trường Tiểu học Việt-Úc Hà Nội mong rằng những chia sẻ trong buổi Hội thảo sẽ giúp các bậc cha mẹ học sinh phần nào giải đáp được những băn khoăn, trăn trở. Với sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường, chắc chắn các con của chúng ta sẽ có những bước khởi đầu thật tự tin.

Tin liên quan

Đăng ký tuyển sinh call hotline Zalo Messenger