Trường Liên cấp Việt-Úc

Trường Liên cấp Việt-Úc

Trường Liên cấp Việt-Úc

https://vashanoi.edu.vn/Banner Tin tức

Cùng học sinh Trường Liên cấp Việt-Úc Hà Nội tái chế dầu mỡ thừa thành xà phòng

16/03/2022

Học sinh trường Liên cấp Việt-Úc Hà Nội vừa có một tiết học thú vị khi "kéo dài vòng đời" của dầu ăn thừa thành xà phòng dùng để giặt, cọ rửa. Đây là thành quả của việc kết hợp kiến thức hóa học với mục tiêu tái chế, dưới sự hướng dẫn của thầy Mai Đức Hạnh, giáo viên đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong việc giảng dạy và thực hành môn Hoá học.

Học sinh trường Liên cấp Việt-Úc Hà Nội vừa có một tiết học thú vị khi "kéo dài vòng đời" của dầu ăn thừa thành xà phòng dùng để giặt, cọ rửa. Đây là thành quả của việc kết hợp kiến thức hóa học với mục tiêu tái chế, dưới sự hướng dẫn của thầy Mai Đức Hạnh, giáo viên đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong việc giảng dạy và thực hành môn Hoá học.

Học tập gắn liền với thực tế

Cụm từ "tái chế” được nhắc đến từ nhiều năm nay, khi mà con người bắt đầu quan tâm đến môi trường và chất lượng cuộc sống. Rất nhiều các sáng kiến tận dụng đồ đã qua sử dụng để biến thành các sản phẩm phục vụ đời sống người dân, trong đó có mặt hàng hoá mỹ phẩm.

           Tại Trường Liên cấp Việt-Úc Hà Nội, ngoài kiến thức trong sách giáo khoa, học sinh còn được học và tìm hiểu về các vấn đề liên quan đến xã hội, kỹ năng và trách nhiệm với cộng đồng. Trong chương trình hóa học lớp 12, các em được trang bị các kiến thức về chất béo và xà phòng. Theo đó, dầu ăn hay mỡ đã qua sử dụng khi thải trực tiếp vào hệ thống ống cống sẽ gây ô nhiễm môi trường và phá hủy hệ sinh thái. Tại thành phố Barcelona, Tây Ban Nha, chính quyền còn phân phát miễn phí một dụng cụ có tên là "OliPot" nhằm khuyến khích người dân giữ lại dầu ăn đã qua sử dụng để thu hồi và tận dụng làm nguyên liệu sản xuất xà phòng, diesel sinh học, sơn... đồng thời giúp ngăn chặn tình trạng ô nhiễm nguồn nước. "Từ thực tế đó thầy trò chúng tôi suy nghĩ trăn trở để tìm một con đường đi mới cho dầu, mỡ ăn đã qua sử dụng”, thầy Mai Đức Hạnh chia sẻ.

Học lý thuyết đi đôi với thực hành

Thầy trò trường Liên cấp Việt-Úc Hà Nội đã cùng nhau nghiên cứu và chia nhóm giao nhiệm vụ cụ thể. Đây cũng là một trong những kỹ năng cần thiết để các em học sinh biết cách làm việc theo nhóm, chủ động với công việc được giao và hoàn thành theo đúng tiến độ.

Nhóm 1: Các bạn tìm hiểu tác hại của dầu, mỡ ăn đã qua sử dụng và con đường đi của nó trong thực tế cuộc sống như thế nào.

Nhóm 2: Các bạn được giao nhiệm vụ nghiên cứu về các phản ứng hóa học đề điều chế xà phòng từ dầu ăn thải và các quy trình công nghệ tối ưu để sản xuất được xà phòng.

Nhóm 3: Các bạn được giao nhiệm vụ tìm hiểu các quy trình làm sạch và loại các tạp chất trong dầu ăn thải trước khi đi vào sản xuất.

Nhóm 4: Các bạn được giao nhiệm vụ tìm hiểu về các tiêu chí an toàn và đánh giá chất lượng của xà phòng sản xuất được.

Các nhóm có thời gian tìm hiểu và thảo luận trong thời gian 1 tuần, sau đó các nhóm báo cáo kết quả tìm hiểu của nhóm mình dưới sự hướng dẫn của giáo viên và sự góp ý của các nhóm khác.

Thầy Mai Đức Hạnh cho biết: "Khi thầy trò bắt tay vào làm, việc đầu tiên là các em cần phải hiểu được quy trình, bản chất công việc. Các em phải đặt mình vào vị trí như một nhà nghiên cứu khoa học, mọi khâu đều phải chuẩn chỉnh. Đấy là tính cách mà tôi mong các em sẽ rèn rũa được.”

Sản xuất xà phòng từ dầu ăn thừa, học sinh được hướng dẫn lọc bỏ cặn, tạp chất, sau đó dùng các nguyên liệu như nước cất, NaOH (xút), các loại tinh dầu theo ý thích tạo mùi thơm. Xà phòng được làm theo đúng quy trình, sau một tiếng sẽ hoàn thành một mẻ. Trung bình 1kg dầu đã lọc sạch + thêm nước cất, NaOH… sẽ ra 1,5kg xà phòng, tương đương 15 bánh, mỗi bánh 100g. Chi phí sản xuất ra 1,5 kg xà phòng từ 100.000 VNĐ đến 200.00 VNĐ, tùy cách chọn nguyên liệu.

Để đảm bảo không dư xút gây hại da tay, cần phơi xà phòng nơi khô ráo, thoáng mát khoảng 10 ngày và kiểm tra độ pH trong khoảng 7-8 là dùng được. Chất lượng của sản phẩm đã được kiểm định trong phòng thí nghiệm, độ pH tương đương 7,5 và khi dùng thấy có mùi thơm, tạo bọt và có khả năng tẩy rửa như xà phòng bánh ngoài thị trường.


 

"Làm xong thì mới thấy không khó như mình nghĩ, chỉ cần có hiểu biết, kiến thức và sự hăng say chắc chắn mình sẽ làm ra được nhiều sản phẩm tái chế hơn.” (Bùi Quý Dương - Lớp 12V1);

"Quá tuyệt vời, từ giờ mình sẽ chịu khó tìm tòi nghiên cứu và hỏi thầy nhiều hơn để có thể làm ra các sản phẩm tái chế như xà phòng này.” (Phạm Đức Anh - Lớp 12 V1);

"Em thích sử dụng đồ tái chế hơn rồi, em sẽ cùng mọi người trong nhà dùng thử loại xà phòng này, em nghĩ mọi người sẽ thích nó.” (Ngô Bích Chi - Lớp 12V1);

Những sản phẩm bánh xà phòng tái chế từ dầu ăn, mỡ thừa được chính thầy trò trường Liên cấp Việt-Úc Hà Nội sản xuất bước đầu đã đạt được thành công về chất lượng, sản phẩm được học sinh mang về và sử dụng trong gia đình thay thế xà phòng thông thường. Đồng thời, đây cũng là sản phẩm thể hiện tinh thần ham học hỏi, khám phá và nêu cao ý thức bảo vệ môi trường đối với mỗi học sinh và người thân trong gia đình.

Sau dự án này, thầy Mai Hạnh cùng học trò dự định sẽ tiếp tục với những nghiên cứu để tạo ra các loại xà phòng có hương liệu từ thiên nhiên, không dùng hoá chất, tốt cho sức khoẻ và đặc biệt là phù hợp với nhu cầu tiêu dùng hiện nay của số đông giới trẻ, ưu tiên sử dụng sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, bảo vệ môi trường.

Tin liên quan

Đăng ký tuyển sinh call hotline Zalo Messenger