Trường Liên cấp Việt-Úc

Trường Liên cấp Việt-Úc

Trường Liên cấp Việt-Úc

https://vashanoi.edu.vn/Banner Tin tức

“Truyền lửa” tình yêu văn học đến VASER Hà Nội

25/02/2022

Cô ơi, con không biết làm thế nào để nhớ được hết tác phẩm?

Cô ơi, tác phẩm này khó quá, con ghi bài mà chả hiểu gì?

Cô ơi lại viết tiếp ạ?

Cô ơi, làm sao mà cảm thụ được tác phẩm để viết cho hay ạ?

Cô ơi…Cô à…

Bao nhiêu câu hỏi là bấy nhiêu khó khăn đối với học sinh khi nhắc tới môn Ngữ Văn. Từ thế hệ học sinh này sang thế hệ khác, mỗi lớp lại là một lần cô cùng trò tìm lời giải đáp cho các tác phẩm văn học, cùng tìm kiếm những điều hay, điều thú vị. Quan trọng nhất, người đứng lớp phải khơi gợi trong học trò niềm yêu thích văn học, tác phẩm, tác giả, tình yêu với tiếng mẹ đẻ hay hứng thú với một bài nghị luận bày tỏ quan điểm.

Nhiều học sinh khi nhắc đến văn là sợ. Để học được văn không khó, nhưng để viết văn hay thì không dễ. Để chữa "căn bệnh sợ” này, người dạy nên làm gì?

Với kinh nghiệm 30 năm đứng trên bục giảng, Cô giáo Lã Thị Bích Nga – Giáo viên dạy Ngữ văn đã có nhiều sáng kiến, đổi mới phương pháp dạy học để học sinh thấy yêu thích và gần gũi hơn với môn Văn.

Người giáo viên hãy luôn giữ cho mình Tâm và Thế: "Gương mặt cười” và "cơn bão sau cánh cửa” là một nguyên tắc được áp dụng mang lại hiệu quả cho giờ học Văn

Đã là cuộc sống, cá nhân ai cũng có những buồn vui, những lo toan của riêng mình, tuy nhiên cần bóc tách chúng khỏi giờ Văn. Để bóc tách được chúng, ta cần lập cho mình quy ước: để lại tất cả những gì không thuộc về lớp học sau cánh cửa. Quy ước có vẻ không dễ áp dụng, nhưng, hãy thử nghĩ xem: tại sao ta – người dạy – lại bắt trẻ con – người học, phải gánh những thứ không thuộc về chúng? Và chúng cũng không thể giúp ta giải quyết những muộn phiền, lo toan chỉ thuộc về ta!

Hãy xuất hiện trước mặt học trò bằng gương mặt cười. Cười bằng cả trái tim.

Dẫn dụ học trò vào không gian văn học bằng không khí vui vẻ và gần gũi.

Bắt đầu tiết học bằng một câu đùa vui với một bạn nào đó trong lớp, trêu một bạn nào đó, hỏi thăm một bạn nào đó: Ồ, hôm nay con chải tóc đẹp trai thế! Có chuyện gì vui mà mắt lấp lánh vậy con? Mới được nhận quà à? Chia cho cô được không?

Trước khi dạy một tác phẩm mới, hãy tìm hiểu những "sợi dây liên kết” với tác phẩm, tác giả, để đặt câu hỏi cho học sinh, giúp các em bắt nhịp với tác phẩm một cách tự nhiên nhất. Như khi học tác phẩm Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng: Con đã bao giờ đi du lịch vùng Tây Bắc chưa? Con có hình dung năm 1947, không gian núi rừng Tây Bắc sẽ như thế nào chưa? Chúng ta cùng đi du lịch bằng thơ nhé! Với cách này, học sinh sẽ thấy việc học tác phẩm văn học nhẹ nhàng hơn.

Trước khi học Đại cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi: Con biết được những thông tin gì về cách tra tấn mang tên Bào cách được yêu hậu Đát Kỷ sử dụng để tra tấn những kẻ chống đối mình? …Trong Đại cáo bình Ngô, Nguyễn Trãi đã dùng 1 hình tượng để khái quát rất thực tội ác man rợ kiểu Trung cổ của nhà Minh, vừa mang tính khái quát khắc bia căm thù tội ác quân xâm lược. Ta cùng tìm hiểu…

Khơi gợi từ những chi tiết sâu xa, học sinh sẽ tò mò để có hứng thú khám phá.

Trao quyền cho học sinh trong giờ học đúng cách, triệt để, giáo viên chỉ xuất hiện khi cần

Trao quyền là một trong những phương pháp quan trọng nhất để giờ Văn không trở nên nặng nề, dẫn đến buồn ngủ. Áp dụng kĩ thuật dạy học "tia chớp”; "truyền tin” để học trò luôn được động não, kết nối với nhau. Các bạn ấy sẽ rất hào hứng xem cô sẽ chỉ định ai sau 5 giây đặt câu hỏi, hoặc bạn trả lời trước sẽ chọn ai để vừa gửi gắm niềm tin, vừa trao gửi yêu thương…theo quy ước "con quý mến bạn nào hãy trao quyền trả lời cho bạn ấy trong giờ học hôm nay”

Trong giờ học Văn bản, vốn là giờ học dài lê thê, việc giáo viên hướng dẫn học sinh chuẩn bị bài theo phương pháp "Lớp học đảo ngược” sẽ giúp trò chủ động tiếp cận bài học. Các con được đóng vai trò "người dẫn dắt bài học”, giáo viên trở thành 1 thành viên ngồi dưới bàn học trong, đôi khi giơ tay "em xin phát biểu” và hỏi những câu hoặc rất dễ, hoặc hack não để khi học sinh "bó tay”, rồi giáo viên sẽ xuất hiện để trò ô…a. Hình thức trình bày của trò cũng rất đa dạng: poster với những bạn thích vẽ, video với những bạn giỏi làm phim, trình chiếu với những bạn ưa thiết kế…

Khi học trò được thể hiện năng lực không hẳn thuộc về giờ Văn, các em sẽ thấy giờ Văn không phải chỉ có đọc - nghe – chép.

Hào phóng khen, khích lệ và chỉ dẫn đúng, trúng

Cố gắng tìm thật nhiều điểm tích cực từ học trò, dù là nhỏ nhất để khen, và chỉ rõ học trò được khen điều gì? Cần phát huy điều đó như thế nào? Bằng cách nào. Và luôn khích lệ nội lực của học trò "Con đã làm tốt đoạn văn trình bày về… Con chỉ cần thay đổi cách diễn đạt thế này … bài của con sẽ từ hay thành hấp dẫn”. Học sinh sẽ không thấy hoang mang "không biết đâu mà lần” với những chỉ dẫn chung chung.

"Con thiết kế slide đẹp quá, giờ ra chơi chỉ cô cách làm nhé”.

Trò sẽ thấy hứng thú vì được khen, lại được làm "thầy” cho cô của mình.

Đưa văn học đến gần với cuộc sống

Khép lại một giờ học Văn, hãy mở ra cho học sinh một câu hỏi ngỏ: Nếu là con, con sẽ hành xử như nhân vật hay làm khác đi? Vì sao?

Con nhận được thông điệp nào sâu sắc nhất từ tác phẩm về lối sống? Con sẽ làm gì để thay đổi tích cực?

Sau bài học hôm nay, con sẽ chia sẻ thông tin gì về điều con ấn tượng nhấn với mẹ con, ba con?

Và tất nhiên, sau đó, ta sẽ quay lại: Con đã làm được gì…làm như thế nào, chia sẻ với cô và bạn.

Qua những tiết học truyền cảm hứng của cô, học trò thêm yêu các tác phẩm văn học kiệt xuất của Việt Nam, yêu quê hương đất nước con người Việt Nam, và trên hết là thấy trong văn có đời sống, trong đời sống có văn.

Tại Trường liên cấp Việt-Úc Hà Nội, không chỉ riêng cô Nga, mà tất cả giáo viên đều trăn trở, tìm tòi đổi mới phương pháp giảng dạy, truyền cảm hứng học tập cho mỗi học sinh, để không còn áp lực học hành mà thay vào đó là những tháng ngày tận hưởng niềm vui, niềm hạnh phúc và đam mê khám phá trong từng tiết học.

Tin liên quan

Đăng ký tuyển sinh call hotline Zalo Messenger